Cà phê Việt Nam với nhiều tiềm năng và thách thức trong thời gian tới

VTV.vn – Hội nghị giao thương quốc tế có sự tham dự của 800 đại biểu, trong đó có 200 khách mời quốc tế, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) và đối tác thương mại các nước.

Trong niên vụ 2023/2024, giá cà phê robusta liên tục lập đỉnh, có thời điểm chạm mốc 6.000 USD/tấn – mức cao nhất trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, đằng sau mức giá hấp dẫn này là những thách thức không nhỏ khi sản lượng giảm do biến đổi khí hậu và các rào cản thương mại ngày càng siết chặt.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ này chỉ đạt khoảng 27 triệu bao, tương đương 1,5 – 1,75 triệu tấn, giảm từ 10 – 15% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, nhờ giá tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu cà phê vẫn đạt 5,43 tỉ USD, tăng 33% dù lượng xuất khẩu giảm 12,7%. Châu Âu vẫn là thị trường chủ lực, chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó EU đóng góp 41%.

Cà phê Việt Nam với nhiều tiềm năng và thách thức trong thời gian tới - Ảnh 1.

Quang cảnh tại Hội nghị giao thương quốc tế – Kết nối, nâng tầm cà phê Việt.

Tuy nhiên, với việc EU siết chặt quy định về truy xuất nguồn gốc theo đạo luật chống phá rừng (EUDR) từ năm 2025, ngành cà phê Việt Nam đang đối diện những thách thức không nhỏ. EUDR và tiêu chuẩn chất lượng: Rào cản lớn cho xuất khẩu Theo EUDR, tất cả sản phẩm cà phê nhập khẩu vào EU phải chứng minh được không liên quan đến phá rừng sau ngày 31/12/2020.

Ông Thái Anh Tuấn, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk, cho biết: “Việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và chất lượng là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững.” Mở rộng thị trường, đẩy mạnh chế biến sâu Trước những rủi ro từ thị trường EU, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang chủ động tìm hướng đi mới. Trung Đông, Nam Á, Bắc Mỹ đang nổi lên như những thị trường tiềm năng, giúp giảm phụ thuộc vào châu Âu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi với xu hướng sử dụng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản ngày càng tăng.

Cà phê Việt Nam với nhiều tiềm năng và thách thức trong thời gian tới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.

Theo định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng 11.000 ha cà phê đặc sản, sản lượng đạt 15.000 tấn/năm. Đồng thời, ngành cà phê đang đẩy mạnh chế biến sâu với các sản phẩm như cà phê hòa tan cao cấp, cà phê viên nén, RTD (ready-to-drink), gia tăng giá trị xuất khẩu.

Thị trường nội địa cũng là điểm sáng với mức tiêu thụ 270.000 – 300.000 tấn/năm, tăng trưởng ổn định 2-3%/năm. Đây là cơ hội lớn để phát triển các sản phẩm chế biến sâu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hệ thống dữ liệu vùng trồng – chìa khóa mở cửa thị trường EU Nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu EUDR, Bộ NN&PTNT đã triển khai hệ thống dữ liệu vùng trồng cà phê. Đến tháng 12/2024, hệ thống này do Cục Trồng trọt phối hợp với tổ chức IDH đã hoàn thành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chứng minh nguồn gốc và truy xuất sản phẩm. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, ngành cà phê Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tập trung vào phát triển bền vững, nâng cao chất lượng.

Cà phê Việt Nam với nhiều tiềm năng và thách thức trong thời gian tới - Ảnh 3.

Bà Vanusia Noguiera – Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phát biểu tại hội nghị.

Qua trao đổi, ông Trương Công Toàn- Giám đốc công ty TNHH Toàn Hằng (xã Nhân cơ, huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Mặc dù giá cà phê Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng so với thị trường thế giới, giá bán vẫn thấp hơn. Để cải thiện vị thế cạnh tranh, ngành cà phê Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.”

Các chuyên gia nhận định rằng, dù giá cà phê Việt Nam đang tăng, nhưng để nâng cao khả năng cạnh tranh, ngành cà phê cần tập trung vào cải thiện chất lượng, xây dựng thương hiệu và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc đầu tư vào chế biến sâu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng là hướng đi cần thiết để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *